Skip to main content

TỔNG QUAN XÃ HÒA AN

ha

Năm 1976, tái lập tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới được giao lại tỉnh An Giang. Hòa An thuộc xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1979, xã Hòa An được thành lập trên cơ sở tách các ấp Bình Phú, Bình Quới, Bình Thạnh 1, Bình Thạnh 2, 1/3 ấp An Thạnh, 2/3 ấp An Mỹ của xã Hòa Bình (cũ).

Hiện nay, xã Hòa An có 6 ấp: An Mỹ, An Thạnh, Bình Thạnh 1, Bình Thạnh 2, Bình Quới, Bình Phú. Hòa An là một xã đông dân cư thuộc vùng nông thôn cách xa trung tâm huyện, có địa giới hành chính: phía Bắc giáp xã Hòa Bình; phía Đông giáp xã Hội An; phía Tây giáp thành phố Long Xuyên, phía Nam giáp huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Có diện tích tự nhiên là 1.881 ha, đất nông nghiệp 1.403 ha, đất trồng lúa 1.063 ha, đất thổ cư 142,5 ha. Đất đai màu mỡ, được phù sa bồi đắp hàng năm, thuận lợi canh tác nông nghiệp. Phần lớn địa hình bằng phẳng, có nơi trũng thấp, phần đất bãi bồi ven sông Hậu thường ngập nước theo thủy triều.

Hệ thống sông, kinh, rạch ở Hòa An khá đa dạng. Sông Hậu, sông Lấp Vò được thông nguồn bởi nhiều kinh, thủy sản khá phong phú. Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, trong năm chia làm hai mùa nắng – mưa tương đối rõ rệt. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Hòa An ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng thường chịu ảnh hưởng lũ lụt, thủy triều. Năm 2022, xã Hòa An có 5.380 hộ, 19.423 nhân khẩu. Người Kinh chiếm đa số. Mật độ dân số trung bình 1.034 người/km2. Theo Niên giám thống kê 2015,2016 trang 51; Dân cư có đạo chiếm 99,23% dân số, nhiều nhất là Phật giáo Hòa Hảo (17.551 người), Phật giáo (2.798 người), Công giáo (333 người), Cao Đài (139 người), Tứ ân Hiếu nghĩa (119 người), Bửu sơn Kỳ hương (21 người).

Trên địa bàn xã có 01 trường Mẫu giáo, 03 trường Tiểu học, 01 trường Trung học cơ sở. Về tín ngưỡng và nơi sinh hoạt tôn giáo: xã có 01 Đình, 03 Chùa, 02 Nhà thờ; trong đó , nhà thờ Antôn được xây dựng từ thập niên 90 thế kỷ XIX bởi các thừa sai người Pháp. Tín đồ các tôn giáo ở địa phương luôn đoàn kết, chung sức vì cộng đồng, nêu cao tinh thần “tốt đời đẹp đạo” với nhiều phong trào xã hội từ thiện như: xây cầu, làm đường, cất nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo,...

          Toàn xã có 183 tổ tự quản ở địa bàn dân cư. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thương mại, một số sống bằng nghề sản xuất gạch ngói, dịch vụ mua bán, làm thuê mướn…Hiện nay xã có 6/6 ấp văn hóa với 5975 hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 91,84%; có 146 hộ nghèo chiếm 2,22%, 157 hộ cận nghèo chiếm 2,39%.